Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Con đường phía trước

Sáng chủ nhật, trời đẹp và se lạnh, tôi ngồi nghe Quick and Snow show và (cố gắng) làm bài tập. Lâu lắm rồi tôi mới lại nghe Quick and Snow show, hay nói đúng hơn: lâu lắm rồi mới lại nghe Quick and Snow show vào một sáng cuổi tuần nắng đẹp, lúc vừa ngủ dậy, và có cảm giác mình đang ở nhà. Hiển nhiên là bài tập lại bị vứt xó để nhường chỗ cho ngẩn ngơ và dớ dẩn (hay còn gọi là suy tư, phát âm sờ nặng thật nặng).

Hai năm một tháng 25 ngày ở Mĩ, tôi nhìn lại thấy cả ngọt ngào và cay đắng. Tôi không thấy mình già đi, không rõ là mình bây giờ 23, 24, 25, 26 hay 27 tuổi xừ mất rồi nữa. Tôi thấy mình lớn lên. Hai năm vừa rồi giống như một cái offset spatula (không biết dịch ra tiếng Việt là gì), dần dần đánh dẹp và cán phẳng lớp kem bông trên cái bánh là tôi. Ai giống tôi hôm qua, không quen thuộc với công tác bánh trái, tham khảo hình ảnh tại đây: http://www.americastestkitchenfeed.com/wp-content/uploads/2011/11/STP_CakeFrosting-3-of-6.jpg. Dẹp và phẳng ở đây có ý tốt, hay ít ra là ý trung tính, không xấu không tốt nhé.

Bài học đáng kể nhất từ công việc nghiên cứu là: thất bại quá nhiều đến nỗi giờ tôi không còn thấy thất vọng nữa. Nghiên cứu là một quá trình thử và sai dai dẳng, điều này càng đúng hơn khi ta phải tự mày mò tìm đường. Tôi quen dần với những thí nghiệm thiết kế công phu và tưởng chừng hoàn hảo lại không cho ra một kết quả gì, hoặc là kết quả không đủ thuyết phục. Lại vứt đi, lại làm lại từ đầu, lại đâm vào đọc thêm, thiết kế lại, lòng chắc mẩm nếu không "ra cái gì" thì thế nào cũng bị chửi, nếu "ra cái gì" thế nào cũng bị chửi luôn.

Tôi từng lầm tưởng nghiên cứu khoa học giống như một thứ sở thích hơi hơi giống một môn nghệ thuật: ta thích nó, đam mê nó, nên ta đâm đầu vào nó. Có điều, vẽ một bức tranh, viết một bài hát, cảm hứng ấy chỉ cần duy trì vài ngày, vài tuần, vài tháng... Nghiên khoa học là một bức tranh vẽ cả đời không xong, là một bức tranh lúc nào nhìn vào cũng như một mớ màu loang lổ không ra hình thù gì, họa sỹ này cố gắng giảng cho họa sỹ khác mình đang vẽ cái gì. Cảm giác chán nản và lộn tùng phèo rất thường xuyên xảy đến.

Bởi vì mọi thứ dễ bị chán và bị lộn tùng phèo, đam mê là điều thực sự cần thiết. Có những người có thể coi công việc của họ chỉ đơn giản là công việc: đi làm, cuối tháng lĩnh lương, có tiền trả điện nước cơm gạo, mua sắm áo quần. Khá hơn một chút thì ta tự động viên mình: việc ta đang làm có ích cho đời, hay ít nhất thế nào cũng có ích trong tương lai. Tôi nhận ra mình không sống như thế được lâu. Không có niềm đam mê, tôi không có năng lượng để vực mình dậy sau thất bại chồng lên thất bại.

Hai năm qua, mặc dù công việc không đi đến đâu, tôi được dạy nhiều điều. Bây giờ tôi đi nghe seminar không còn ù ù như nghe tiếng Phạn nữa. Cái "hệ thống" ở đây, dù cho nhiều người ngợi ca và so sánh với sự nhếch nhác yếu ớt của quê nhà, có quy luật riêng và nhếch nhác riêng của nó. Tôi được nếm thử phần lớn những gì tôi đã đọc và được cảnh cáo và tự phớt lờ (mấy cái này chẳng bao giờ xảy đến với mình được đâu) từ trước khi đi du học. Giờ đây, hì hục ngồi làm lại từ đầu, từ con số 0 béo tròn ngộ nghĩnh, tôi mới biết hồi ấy mình trẻ và ngốc đến thế nào.

"You've come so far, don't throw it away."

Phải làm lại thôi. Làm lại với cái đầu lạnh hơn, để trái tim ít nhất cũng ấm lên một chút khi nhìn vào công việc của mình. Làm lại bình tĩnh, cẩn thận, từ từ. Cảm ơn anh, khi tôi còn trong cái đoạn bi quan và chán nản và không biết phải làm gì, anh ở bên đã luôn động viên và nói chuyện cho tôi hiểu. Anh ở bên và yêu tôi những lúc tôi cáu bẳn, lười biếng, mất phương hướng, hết tiền, ốm đau sụt sịt. Cách anh đọc và suy nghĩ, cách anh quyết định từ tốn và cẩn trọng, cách anh chu đáo quan tâm đến mọi người và cuộc sống quanh anh đều ảnh hưởng đến tôi theo hướng tích cực. Tôi gặp anh ở nơi này là may mắn lớn có thể bù đắp lại những vất vả trong thời gian qua.

Từ giờ tới hè 2014, tôi sẽ có nhiều thay đổi và xáo trộn lớn trong cuộc sống của mình. Tôi sẽ bước chậm trên con đường mới của mình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét