Hay nói đúng hơn, tớ thường xuyên đâm vào hai phe của cái chủ đề này. Một phe ủng hộ GMO, phe kia ghét GMO. Hai phe này ghét nhau đáo để, khăng khăng cho rằng phe mình đúng hết, phe kia sai hết. Họ lên án nhau, cãi cọ với nhau, dẫm đạp lên nhau cả trên mạng lẫn ngoài đời. Sợ chưa?
Thế vì sao GMO lại gây nhiều sóng gió đến vậy? Công nghệ này chẳng qua chỉ là cắt dán một vài gien từ sinh vật này sang sinh vật khác. Về mặt công nghệ thì GMO chẳng phải là ghê gớm gì, làm trên vi khuẩn chỉ cùng lắm vài ngày là ra một con vi khuẩn GMO, trên cây thì thường mất vài tháng đến vài năm. Vì sao một công nghệ đơn giản như thế lại làm ra hai phe cãi nhau liên miên hàng chục năm trời?
Phe chống GMO cho rằng GMO kém an toàn, phá hoại nền nông nghiệp, không bền vững, kém tự nhiên, tiếp tay cho các tập đoàn làm giàu, hại nông dân, tăng liều thuốc trừ sâu, phá hoại môi trường sinh thái, làm giảm đa dạng sinh học, vân vân.
Phe ủng hộ GMO cho rằng GMO rất tuyệt vời, có thể cứu thế giới khỏi khủng hoảng lương thực, suy dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, tăng năng suất sản xuất thực phẩm, thuốc, năng lượng xanh, vân vân.
Cả hai bên không ai chịu ai. Vậy là họ quay ra tấn công nhau thay vì tấn công GMO.
Phe chống GMO cho rằng phe ủng hộ GMO ăn tiền của các tập đoàn, muốn thống lĩnh nông nghiệp (và thế giới!), chỉ nghĩ đến làm ra tiền cho bản thân mà không nghĩ đến lợi ích chung về lâu về dài.
Phe ủng hộ GMO cho rằng phe kia dốt nát, đã không biết đọc và phân tích kết quả khoa học chính thống thì chớ, lại còn sợ hãi lung tung, nhìn đâu cũng ra vi trùng với ung thư.
Không ai chịu hiểu rằng GMO chỉ là một công nghệ, còn tùy vào áp dụng cụ thể như thế nào mà kết quả thành ra tốt hay xấu. Cũng không ai chịu hiểu rằng phe mình có cái sai, phe kia có cái đúng. Bởi vì cái sự "tùy trường hợp" của GMO (cũng như của bất kỳ công nghệ nào khác), mà sự thật nằm ở khoảng xam xám giưa giữa, không phân biệt rõ trắng đen, thành ra không bên nào thắng.
Viết đến đây tự nhiên lắm chữ nên trích Trang Tử cho oai: "Hai người tranh luận, đều tự cho mình là phải, vậy tranh luận làm gì? Mời người thứ ba đến lại càng làm cho sự việc thêm khó giải quyết nữa, vì người thứ ba cũng sử dụng quan điểm riêng của mình để phân phải trái. Càng tranh biện càng làm cho chân lý mờ tối, vì thành kiến. Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp, lời nói bị sự hoa mỹ phù phiếm che lấp." (Oai chưa?)
Giờ chúng ta nghe hai phe cãi nhau tiếp xem thế nào.
Phe ủng hộ GMO bảo rằng dân số thế giới đến năm 2050 sẽ tăng đến 9.6 tỉ người (kinh nhờ, để đâu cho vừa?), biến đổi khí hậu khó lường, muốn có đủ thức ăn nuôi từng ấy người thì phải dùng đến GMO để tăng năng suất sản xuất thực phẩm.
Sự thật là, GMO đúng là một công nghệ mạnh để tăng năng suất cây trồng vật nuôi, tạo ra cây chịu hạn chịu mặn chịu ngập để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thế nhưng GMO chưa chắc đã là biện pháp hiệu quả nhất, càng không phải là cách duy nhất. Viện Tài nguyên Thế giới (http://www.wri.org/blog/2013/12/global-food-challenge-explained-18-graphics) cho rằng để khắc phục khủng hoảng lương thực thì có mấy việc này cần làm:
- Chống lãng phí và bỏ thừa thức ăn.
- Chuyển sang chế độ ăn lành mạnh hơn.
- Sử dụng đất và tài nguyên bền vững, tuần hoàn (chỗ này dịch thoáng, ai giỏi dịch lại hộ phát).
- Tăng năng suất cây trồng
- Cải thiện cách sử dụng đất và nguồn nước
- Chuyển nông nghiệp về vùng đất thoái hóa để tận dụng
- Tăng năng suất thủy hải sản
GMO là một công nghệ, cho nên nó có tính chạy theo nhu cầu. Cũng giống như điện thoại di động vậy, giờ cái nào cũng phải có camera với wifi, bởi vì nhu cầu nó thế. Nhu cầu thì không phải lúc nào cũng đúng, cũng tốt. Có smartphone thì cái gì cũng tiện, đi đâu chụp cái ảnh cho lên facebook được luôn, không biết cái gì google phát là ra ngay. Nhưng giờ nhà nhà điện thoại, người người điện thoại, đi đâu làm gì cũng lôi cái điện thoại ra cắm mặt vào, chẳng biết trời trăng gì nữa. Như thế là lỗi tại cái điện thoại, hay là tại người dùng?
Ai làm nông cũng biết, làm cỏ rất là chán và khổ, nhưng không làm thì giảm năng suất. Vì thế mà sinh ra thuốc diệt cỏ. Nhưng cây trồng với cỏ đều là cây xanh, cho nên thuốc gì mà diệt được cỏ thì cũng ít nhiều làm hại đến cây. Vì thế mà sinh ra cây trồng kháng thuốc diệt cỏ. Có cây kháng thuốc diệt cỏ rồi, phun vô tư đi. Thế là tràn lan, quá liều, ngấm xuống đất, ngấm vào nước, tồn dư trên thực phẩm... Thế là thuốc diệt cỏ glyphosate bị Tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) dán cho cái nhãn 2B - có khả năng gây ung thư (Cùng hạng mục với khói chiên rán và nghề cắt tóc nhé, các chú giờ ăn khoai rán nem rán thì sợ dần đi). Thế chuyện này là lỗi của ai? Lỗi của công ty bán thuốc diệt cỏ và bán giống cây kháng thuốc? Lỗi của người nông dân sử dụng bừa bãi? Lỗi của người quản lý liều lượng? Lỗi của nhà nghiên cứu? Hay là lỗi của công nghệ GMO nói chung? Hỏi câu này cũng giống như hỏi "Bom nguyên tử đáng sợ vậy, thế có nên cấm công nghệ hạt nhân không?"
Có người cho là nên cấm GMO, cấm quyết liệt. Người ta biểu tình, tung tin lên mạng, vẽ ra những biểu tượng kinh hoàng dành riêng cho GMO (ai thích thì cứ google GMO là ra ngay toàn quái vật). Người ta đập phá nhà kính thí nghiệm (có khi không cần biết thí nghiệm có liên quan gì đến GMO hay không), đập phá ruộng thí nghiệm Golden rice (không cần biết Golden rice không liên quan gì đến Monsanto hay thuốc trừ sâu trừ cỏ). Nhân đà này, phe ủng hộ GMO lên án phe phản đối là tiêu cực, khủng bố, thái quá, vân vân... Khoảng cách giữa hai phe ngày càng xa.
Nguồn về mấy vụ đập phá nói trên:
http://www.washington.edu/alumni/columns/sept01/merrill.html
http://news.sciencemag.org/asiapacific/2013/08/activists-destroy-golden-rice-field-trial
Hi vọng đến đoạn này hai bên đã có thể nhìn nhau ít hận thù hơn một tẹo. Viết đến đây thấy dài quá rồi, ai thích đọc tiếp thì giơ tay, không thôi không viết nữa, có cớ viết sang cái khác cho đỡ chán. Chảnh vậy đó, he he.
gio tay
Trả lờiXóa